Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, gắn với kinh tế tri thức, hoạt động khoa học và công nghệ của Thủ đô cần tiếp tục đổi mới hơn nữa.
Với lợi thế của một địa phương tập trung nhiều trung tâm khoa học lớn của cả nước, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã chủ động tranh thủ các nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức trên địa bàn trong việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách về khoa học và các hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Sở đã tổ chức hội nghị ba nhà, gồm nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất, kinh doanh để các trường đại học, viện nghiên cứu giới thiệu năng lực nghiên cứu khoa học, các công nghệ thiết bị, kết quả của các đề tài nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao cho các cơ quan, doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận các "đơn đặt hàng" nghiên cứu từ các đơn vị có nhu cầu. Hội nghị đã góp phần gắn kết đội ngũ các nhà khoa học, trí thức trên địa bàn với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đưa các kết quả nghiên cứu khoa học triển khai trong thực tiễn đời sống, tạo sự gắn kết giữa "cung" và "cầu" trong hoạt động nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thành phố đã tập hợp các nhà khoa học có uy tín, các cán bộ chủ chốt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các sở, ngành trên địa bàn tham gia Ban chủ nhiệm chương trình khoa học. Hằng năm, Ban chủ nhiệm đã phát huy vai trò tư vấn, phản biện, xét duyệt trong việc lựa chọn đề tài, dự án đưa vào chương trình nghiên cứu khoa học cấp thành phố, bảo đảm mục tiêu và tính khả thi.
Thành phố khuyến khích các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tham gia "đặt hàng" và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn mình quản lý, như xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm sông hồ, bệnh viện; nghiên cứu công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp... Thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát thực tế, tiếp xúc và làm việc với các sở, ngành, quận, huyện, các doanh nghiệp và một số trường, viện nghiên cứu trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, trên cơ sở đó, đề xuất những nhiệm vụ khoa học và công nghệ sát với yêu cầu thực tiễn. Đổi mới quy trình quản lý đề tài, dự án, nhất là khâu xét chọn, thẩm định, cấp kinh phí nhằm nâng cao số lượng, chất lượng đầu vào và rút ngắn thời gian thẩm định, cấp kinh phí... Qua đó, chất lượng và hiệu quả trong công tác xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các đề tài, dự án đã được nâng lên rõ rệt, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố.
Từ năm 2010 đến 2015, các chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố đã triển khai 575 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài ngày càng cao. Kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, từ năm 2011 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tham mưu thành phố ban hành 15 văn bản, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển khoa học công nghệ. Sở tiến hành thẩm định, đánh giá công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của thành phố. Thẩm định công nghệ 115 dự án đầu tư trong các lĩnh vực xử lý chất thải, hiện đại hóa các cơ sở y tế, các dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, có những dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến như công trình Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200 nghìn m3/ngày đêm.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác tại Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) theo công nghệ đốt không phát điện; Dự án Nhà máy xử lý rác Nam Sơn công suất 2.000 tấn/ngày; Xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Hà Nội... Tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp mới giấy chứng nhận hoạt động khoa học công nghệ cho hơn 200 tổ chức, cấp lại cho gần 130 tổ chức; thẩm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 50 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật; tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học công nghệ cho 21 doanh nghiệp.
Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hướng dẫn, tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho gần 190 tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Hoàn thành xây dựng, tạo lập và phát triển nhãn hiệu tập thể "Tranh thêu Thường Tín", "Sữa bò Ba Vì", "Nón Chuông" huyện Thanh Oai, "Bưởi tôm vàng" huyện Đan Phượng, "Nhãn chín muộn" huyện Hoài Đức, "Rau hữu cơ" huyện Sóc Sơn, "Mây tre đan Phú Nghĩa" huyện Chương Mỹ... Việc triển khai xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề đã góp phần phát triển thương hiệu, gìn giữ, phát huy giá trị của các sản phẩm đặc sản trong nông nghiệp của làng nghề truyền thống trong quá trình hội nhập.
Về định hướng phát triển khoa học công nghệ Thủ đô trong thời gian tới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, ngành sẽ tập trung phát huy những lợi thế của Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khai thác tiềm năng đội ngũ trí thức, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và sức cạnh tranh của các sản phẩm; tạo chuyển biến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, bảo đảm kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Sáng 1-6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức diễn đàn thảo luận về Dự án Sân bay Long Thành với chủ đề "Công khai, khoa học và trách nhiệm". Diễn đàn tập trung vào các vấn đề chính: định hình vị trí, vai trò, chức năng của Sân bay Long Thành trong tầm nhìn thế giới hiện đại và vị thế Việt Nam trong hội nhập; đánh giá, dự báo hiệu quả kinh tế và tài chính của phương án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành...
Phần lớn các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đồng tình với chủ trương xây dựng sân bay mới hiện đại, giải quyết việc "quá tải" của Sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời phù hợp với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải xây dựng lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cụ thể hơn, lập ra các nhóm chuyên gia độc lập để tư vấn, làm rõ về mô hình đầu tư và nguồn vốn, trong đó lưu ý đến các mô hình đầu tư công, đầu tư công - tư hoặc cổ phần dự án cũng như xã hội hóa vốn đầu tư vào công trình và các dự án thành phần.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, coi đây là những ý kiến quan trọng nhằm bổ sung, chỉnh sửa báo cáo nghiên cứu khả thi có chất lượng, đồng thời bộ sẽ có những giải trình cụ thể về các vấn đề có ý kiến khác nhau để tạo được sự đồng thuận của các chuyên gia và dư luận nhân dân.
Liên tục trong 20 năm qua, kể từ năm 1995, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... thực hiện Ðề án tổ chức Giải thưởng Khoa học Công nghệ VIFOTEC (nay là Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam). Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học và công nghệ, tác giả của những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội.
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Nhà nước như: sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Trong 20 năm qua có gần 2.200 công trình tham dự giải và gần 700 công trình đoạt giải. Các công trình đoạt giải tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Giải thưởng đã có tiếng vang, có uy tín lớn trong giới khoa học, trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và trong cả nước. Mặc dù tiền thưởng dành cho các công trình đoạt giải còn khiêm tốn nhưng các nhà khoa học vẫn hăng hái tham gia vì đây thật sự là sân chơi bổ ích; động viên, khuyến khích, tôn vinh các nhà sáng tạo trong cả nước.
Hằng năm lễ tổng kết và trao giải đều được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội. Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xét tặng Giải WIPO cho một công trình xuất sắc nhất, cho một tác giả nữ xuất sắc nhất và cho tác giả trẻ xuất sắc nhất.
Năm 2014 Ban Tổ chức Giải thưởng trao giải cho 40 công trình thuộc sáu lĩnh vực bao gồm: bốn giải nhất, bảy giải nhì, 11 giải ba, 18 giải khuyến khích. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 12 cá nhân là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của các công trình đoạt giải cao.
Thành công của 20 năm tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam có sự đóng góp tích cực, nhiệt tình của các bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn kinh tế.
Trong các đơn vị tích cực tham gia và nhận được nhiều giải thưởng phải kể đến Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng tàu (BUSADCO), Công ty cổ phần Công nghệ sinh học - Phân bón (FITOHOOCMON), các đơn vị này đã đoạt được các giải: nhất, nhì, ba, khuyến khích và cả giải WIPO (giải WIPO cho công trình xuất sắc nhất và giải WIPO cho doanh nghiệp áp dụng xuất sắc hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh).
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Ðể có kết quả đó, lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và ứng dụng; đến hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ cũng như các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Công tác tổ chức giải ngày càng có uy tín, được đông đảo các nhà khoa học, quần chúng nhân dân tham gia và được xã hội đánh giá cao; là sân chơi công bằng, minh bạch, động viên và tôn vinh kịp thời đối với các nhà khoa học, công nghệ và các nhà sáng tạo trong cả nước.
Thực tế cho thấy, trong 20 năm tổ chức giải thưởng, một số hạn chế, bất cập về cơ chế chính sách vẫn còn làm ảnh hưởng tới chất lượng giải thưởng. Các cấp có thẩm quyền cần có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sáng tạo; cần hình thành hệ thống các dịch vụ khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm khoa học vào cuộc sống. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước tạo ra, thay thế cho sản phẩm nhập khẩu, giá thành lại rẻ hơn, thời gian nhanh hơn và chất lượng tương đương. Bên cạnh đó, cần có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ vào đời sống; có chính sách giúp các nhà khoa học công nghệ làm giàu bằng chính sản phẩm của mình. Nhà nước cho vay vốn từ Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ để áp dụng rộng rãi các công trình nghiên cứu đã thành công, nhất là những công trình đoạt giải thưởng, có hiệu quả kinh tế cao, lại do các doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng.
Trong 20 năm qua, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã trở thành động lực động viên, khuyến khích các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước hăng say đóng góp trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
LS LÊ ÐĂNG THỌ
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC)
(Chinhphu.vn) - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cơ quan Phát triển hạ tầng giao thông Hàn Quốc tổ chức hội thảo “Công nghệ mới ứng dụng cho xây dựng-hạ tầng-giao thông” tại TPHCM ngày 9/6.
Hội thảo nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải.
Theo ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đã xác định việc phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Do đó, hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc có cơ hội trao đổi thông tin, chuyển giao đổi mới các công nghệ mới, phù hợp trong lĩnh vực hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì một số chương trình nhằm khuyến khích việc chuyển giao công nghệ mới, phù hợp từ nước ngoài vào Việt Nam. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu để được hỗ trợ từ các chương trình này.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đã trao đổi các nhu cầu công nghệ từ phía doanh nghiệp Việt Nam, những lợi thế và định hướng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, hạ tầng, giao thông. Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc đã giới thiệu các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải như: hệ thống khe co giãn sử dụng trong cầu đường, công nghệ thi công dầm bê tông tổ hợp dạng vòm liên tục, phương pháp lắp đặt cốt thép chịu độ bền cắt hình xoắn ốc để nâng cao hiệu quả chịu lực cắt của cấu trúc tấm phẳng…
Trong dịp này, Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TPHCM và Hiệp hội Công nghệ mới xây dựng-giao thông Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp triển khai ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp. Đây là bước khởi đầu để hai bên hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện những vấn đề nghiên cứu, trao đổi công nghệ trong lĩnh vực xây dựng.